Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Không gian sinh hoạt cho trẻ tự kỷ

Sau đây là vài nguyên tắc thiết kế quan trọng nhất giúp các bậc cha mẹ của trẻ tự kỷ kiến tạo nên những không gian sinh hoạt yên tĩnh và phù hợp với nhất với con mình.

Bố trí không gian

Khi thiết kế phòng riêng cho trẻ tự kỷ, cách bố trí không gian chính là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu. Hãy bắt đầu từ việc xem xét diện tích và tỉ lệ của căn phòng. Bạn muốn bố trí những vật dụng gì trong đây? Hãy lên danh sách những vật dụng đó và tuần tự sắp đặt vào phòng của trẻ.

Để biết được mình nên bố trí những vật dụng gì trong phòng của con mình, chúng ta cần hiểu rõ nhu cầu của trẻ, dành thời gian quan sát những phản ứng của bé đối với môi trường xung quanh mình trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó, chúng ta sẽ xác định xem mình sẽ để bé định hướng, di chuyển và sinh hoạt trong phòng theo trình tự nào cho an toàn, thuận tiện và phù hợp nhất với tâm lý và sở thích của bé. Đây chính là cơ sở để các bậc cha mẹ phác thảo nên bố trí không gian sơ bộ cho phòng của trẻ.

Nguyên tắc cơ bản ở đây là sắp đặt toàn bộ bàn ghế, kệ và tủ ở sát các bức tường và để trống khoảng không gian ở giữa. Cách bố trí này vừa đơn giản, vừa giúp trẻ tự kỷ có thể di chuyển và sinh hoạt trong phòng một cách thuận tiện và an toàn. Khi chúng ta sắp đặt bàn ghế, kệ và tủ ở sát tường, bé có thể tiếp cận, tìm kiếm và lấy các đồ vật một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất mà không phải nhờ đến sự hỗ trợ của người lớn.

tu kyThấu hiểu trẻ chính là nguyên tắc chung nhất

Kiểm soát tiếng ồn

Trẻ em tự kỷ rất nhạy cảm với tiếng động lớn, không có khả năng chống chịu hoặc thích nghi với tiếng ồn một cách dễ dàng như người bình thường. Tiếng ồn không chỉ khiến các bé thường xuyên rơi vào tình trạng âu lo hoặc sợ hãi, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến những thói quen và hành vi hàng ngày của trẻ. Để đảm bảo không gian sinh hoạt yên tĩnh cho bé, chúng ta có vài cách đơn giản để hạn chế tiếng ồn len lỏi vào đó.

Việc đầu tiên cần làm chính là tìm hiểu những tiếng ồn có thể nghe được trong phòng của trẻ. Những tiếng ồn này xuất phát từ đâu? Một khi xác định được nguồn gốc các tiếng ồn, chúng ta có thể hạn chế chúng bằng những biện pháp kiến trúc đơn giản như lắp đặt tường cách âm hoặc các tấm cách âm. Tấm cách âm không chỉ giúp giảm bớt tiếng ồn, mà còn có thể phát huy tác dụng như những chi tiết trang trí nội thất trên tường và giúp cho căn phòng của bé được sinh động hơn.

Một cách khác để hạn chế tiếng ồn trong phòng của trẻ chính là thay thế sàn gỗ bằng thảm. Thảm được xem là một loại vật liệu phủ sàn thân thiện với trẻ tự kỷ bởi tính năng hạn chế nguy cơ chấn thương ở trẻ khi chơi đùa hoặc vấp té. Ngoài ra, thảm còn có tác dụng hạn chế hiện tượng phản quang gây chói mắt và giảm bớt tiếng ồn trong phòng.

Thiết kế ánh sáng

Các nhà khoa học đã chứng minh ánh sáng có khả năng chi phối tâm trạng của con người. Trong khi đó, trẻ tự kỷ nhạy cảm với ánh sáng hơn cả người bình thường. Do vậy, đây là một yếu tố quan trọng mà cha mẹ cần xem xét khi thiết kế phòng cho bé.

Phòng sinh hoạt của trẻ tự kỷ cần hạn chế sử dụng đèn huỳnh quang. Ánh sáng đèn huỳnh quang thường có tính chất lập lòe; với chất lượng chiếu sáng phụ thuộc nhiều vào điện năng và loại đèn, nó có thể gây chói mắt. Ánh sáng lập lòe không chỉ khiến trẻ dễ bị mất tập trung, mà còn có nguy cơ gây mỏi mắt và đau đầu. Việc chiếu sáng kém chất lượng đặc biệt gây ảnh hưởng tiêu cực đối với những trẻ nhạy cảm với ánh sáng.

Nếu phòng của con bạn đang sử dụng loại đèn không phù hợp, hãy thay đổi bóng đèn ngay lập tức. Ưu tiên chọn loại bóng đèn có ánh sáng khuếch tán hoặc loại đèn có thể điều chỉnh độ sáng. Với loại đèn có nút vặn điều chỉnh như thế, chúng ta dễ dàng lựa chọn và thay đổi độ sáng của đèn sao cho phù hợp nhất với nhu cầu của bé.

Thiết kế màu sắc

Việc thiết kế màu sắc cho phòng của trẻ có thể trở nên căng thẳng với các bậc cha mẹ khi chúng ta có vô vàn màu để lựa chọn. Đối với trẻ tự kỷ, những màu sắc phù hợp nhất chính là những gam màu dịu nhẹ và trung tính. Tương tự như ánh sáng, một số màu sắc nhất định có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng của trẻ tự kỷ. Cần tuyệt đối tránh xa những sắc màu quá tươi hoặc quá tối. Trong khi việc thiết kế phòng cho trẻ em bình thường khuyến khích những màu sắc tươi sáng rực rỡ, đây lại là điều cần hạn chế tối đa đối với không gian sinh hoạt của trẻ tự kỷ. Những màu sắc tươi sáng chỉ nên được dùng làm những điểm nhấn nhỏ trong phòng.

Nếu bạn sử dụng giấy dán tường trong phòng của trẻ, cần hạn chế các mẫu giấy dán tường có quá nhiều đường kẻ hoặc hoa văn cầu kỳ, vì chúng có thể khiến trẻ tự kỷ cảm thấy bối rối và mất tập trung. Ưu tiên sử dụng màu sắc dịu nhẹ và các loại sơn tường có thành phần an toàn cho sức khỏe của trẻ.

Không gian riêng tư

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã cho thấy tầm quan trọng của “Không gian cảm giác” (Sensory Room) đối với khả năng cải thiện và hồi phục của trẻ tự kỷ. Đây là nơi mà trẻ tự kỷ được thoát khỏi những sự huyên náo bên ngoài để nghỉ ngơi, thư giãn và đắm mình trong cảm giác bình yên. Trong phòng riêng của trẻ, bạn hãy dành một góc nhỏ riêng biệt để bài trí “Không gian cảm giác” cho bé. Bạn có thể phân biệt không gian này với phần còn lại của căn phòng bằng những biện pháp đơn giản như: sử dụng màn che hoặc một mảng tường ngăn cách. “Không gian cảm giác” được kiến tạo nhằm mục đích giúp trẻ tự kỷ cảm thấy thoải mái, bình yên và đập tan được mọi sự âu lo. Bạn có thể bố trí trong đó những vật dụng như ghế lười, đồ chơi, tấm nhún và bóng tập thể dục có kích thước phù hợp với trẻ để bé có thể tha hồ thư giãn và giải phóng cảm xúc của mình.

ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét