Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Nên ăn gì khi mắc bệnh thận?

Vì sao ăn thịt đỏ làm hại thận?

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore vừa được công bố hôm 14/7 trên tạp chí của Hiệp hội Thận học Hoa Kỳ, thuộc Viện y tế quốc gia Hoa Kỳ cho biết, ăn thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ suy thận. Tuy nhiên chỉ cần thay khẩu phần ăn một bữa trong ngày bằng các loại protein từ thịt động vật khác có thể giảm nguy cơ mắc bệnh thận.

Sở dĩ việc ăn quá nhiều protein động vật – có trong thịt đỏ- sẽ sản sinh ra nhiều thành phẩm độc hại như là hydrogen sulfide và ammonia khiến thận phải tăng cường làm việc để loại bỏ các chất độc này ra khỏi cơ thể. Lâu dài, thực phẩm protein dễ làm suy giảm chức năng thận, và dẫn đến tổn thương thận.

Thịt đỏ là loại thịt phổ biến được sử dụng trong mỗi gia đình, chủ yếu là thịt lợn. Các nhà khoa học Singapore cho rằng càng ăn nhiều thịt đỏ, nguy cơ mắc bệnh thận giai đoạn muộn càng cao. Giáo sư Woon Puay Koh, khoa lâm sàng tại Đại học Duke cho biết, phát hiện mới này cho thấy những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính hoặc suy giảm chức năng thận vẫn có thể ăn các thực phẩm có protein nhưng nên chuyển sang các loại thực phẩm cung cấp đạm từ thực vật như đậu đỗ hay động vật như cá , thịt gia cầm, các loại động vật có vỏ.

Tiến sĩ William Mitch, giáo sư về thận học tại Đại học y Baylor ở Houston, cho biết nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng chế độ ăn với lượng protein thấp rất có lợi cho những người có tổn thương thận. Nhưng điều này không có nghĩa là ăn thức ăn nhiều protein sẽ làm ảnh hưởng đến thận.

Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, nước này có khoảng 20 triệu người mắc bệnh thận mạn tính. Từ năm 2000 đến 2008, số trường hợp từ 65 tuổi trở lên mắc mới đã tăng gấp đôi. Cho đến thời gian gần đây, mặc dù số mắc mới chững lại nhưng số người cần được chạy thận lại đang tăng lên. Một trong những nguyên nhân là do chế độ ăn của những người mắc bệnh thận. Năm ngoái, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về mối liên quan giữa thịt đỏ và ung thư. Và một nghiên cứu tháng 11/2015 trên tạp chí Ung thư chỉ ra rằng thịt nấu chín ở nhiệt độ cao có ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư thận.

Trong nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu Singapore cho biết, qua theo dõi hơn 63.000 người lớn trong thời gian trung bình là 15,5 năm. Họ được phân loại tùy theo việc sử dụng lượng protein mỗi ngày, 97% những người ăn thịt đỏ thường là thịt lợn. Nhóm ăn nhiều thịt đỏ làm tăng 40% nguy cơ phát triển bệnh thận giai đoạn cuối so với nhóm cung cấp protein từ các loại thực phẩm khác. Việc thay thế khẩu phần ăn bằng thịt đỏ với protein từ thịt gia cầm, cá, tôm cua, trứng hay các sản phẩm từ sữa đậu nành và các loại đậu làm giảm nguy cơ suy thận. Riêng với thịt gia cầm, làm giảm tới 62% nguy cơ bệnh thận nặng thêm.

Bảo vệ thận không chỉ bằng chế độ ăn....

Khi một người mắc bệnh thận, tức là thận không còn khả năng làm việc như bình thường, duy trì chức năng lọc, thải độc tố ra khỏi cơ thể, bạn cần biết rằng chế độ ăn uống sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tình trạng bệnh của bạn, nó có thể giúp bạn bảo vệ, không làm xấu đi tình trạng bệnh nhưng cũng có thể làm bệnh nặng thêm nếu ăn uống không giữ gìn. Thậm chí nếu ăn uống khoa học, người mắc bệnh thận còn có thể kiểm soát các bệnh khác như bệnh tiểu đường, cao huyết áp – những chứng bệnh làm bệnh thận nặng thêm.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, với những đối tượng bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo hay ghép thận, cần thực hiện chế độ ăn uống đặc biệt theo chỉ định của bác sĩ. Còn với những người mắc bệnh thận khác nên chú ý các điểm sau trong chế độ ăn của mình: Hạn chế ăn muối, đây là điều kiện đầu tiên mà mỗi bệnh nhân mắc bệnh thận cần tuân thủ. Protein cũng nên hạn chế, tốt nhất cung cấp protein cho cơ thể bằng cách ăn các loại thực phẩm như các loại cá, giảm các thức ăn có chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol, các thực phẩm chiên, rán, chế biến sẵn. Nên ăn nhiều rau, hoa quả.

Các chuyên gia về thận – tiết niệu thuộc Hội Thận học quốc gia Mỹ đã đưa ra những khuyến cáo giúp người bệnh thận có thể cải thiện sức khỏe bao gồm:

- Xét nghiệm thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ.

- Có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng.

- Tăng cường hoạt động thể lực, kiểm soát cân nặng, cải thiện giấc ngủ, giúp tăng độ nhạy cảm với insulin, và giấc ngủ còn giúp sửa chữa và tái tạo các mô thận.

- Giảm cholesterol.

- Kiểm soát huyết áp.

- Kiểm soát đường huyết nếu bệnh nhân bị tiểu đường, bởi điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thận của bạn.

- Bỏ thuốc lá bởi thuốc lá là nguyên nhân gây ra các bệnh về mạch máu từ đó ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho thận. Ngoài ra người bệnh cũng cần bỏ rượu vì nó cũng là tác nhân gây ảnh hưởng đến thận.

Nguyễn Mai Hoàng

((theo WebMD, Kidney))

0 nhận xét:

Đăng nhận xét